Skip to content
Home » Cách làm 16 món bánh truyền thống của miền tây ngon – đẹp – dễ

Cách làm 16 món bánh truyền thống của miền tây ngon – đẹp – dễ

Mời các bạn cùng tham khảo 16 cách làm các món bánh truyền thống của miền tây ngon – đẹp – dễ dưới đây:

1. Bánh ướt cuốn dừa

Nguyên liệu:

+ Mè trắng 50gr
+ Đường cát trắng 300gr
+ Đậu xanh không vỏ 200gr
+ Khoai môn 200gr
+ Dừa nạo 150gr
+ Dừa nạo 150gr
+ Bột sắn dây 150gr bột mì
+ Bột năng 150ggr

Cách làm:

1: Dừa khô nạo chia làm 3 phần, 1 phần ngâm với 400ml nước lọc 20ph rồi cho vào khăn khô vắt ráo nước cốt dừa vào tô. Phần còn lại cho vào chảo rang khô làm nhân bánh rồi trộn chút đường với dừa khô.

2: Bột năng, bộ sắn dây và bột gạo trộn chung với 150g đường cát trắng rồi cho vào tô nước dừa khuấy tan bột dạng lỏng như bột bánh cuốn nằm.

3: Khoai môn gọt vỏ ngoài, cắt nhỏ rồi đem hấp chín khoai môn, Khi khoai môn còn nóng dùng chày nghiền mịn khoai môn với chút đường.

4: Đậu xanh ngâm nước 1-2h cho mềm thì nấu chín với lượng nước gấp đôi lượng đậu xanh rồi dùng chày tán mịn đậu xanh khi còn nóng với chút đường cát trắng.

5: Mè trắng rang vàng rồi chà lớp vỏ ngoài, thêm vào 2 muỗng muối ăn, 1/2 muỗng đường cát trắng làm muối mè ngon.

6: Đun sôi nồi nước trong xửng hấp rồi lót lớp lá chuối trên xửng, múc 1 vá bột cho chảy hình tháp xuống miếng lá chuối tạo hình tròn mỏng đường kính khoảng 10cm.

7: Dùng đũa tre mỏng vớt bánh cuốn ngọt ra mâm, quết phần nhân khoai môn, đậu xanh hay dừa khô tùy thích rồi cuốn tròn bánh cuốn ngọt ra đĩa dùng.

2. Bánh tằm mì

Nguyên liệu:

Khoai mì tươi: 2kg
Bột năng: 50gr
Đường: 200gr
Dừa nạo: 400gr
Cùi dừa: 100gr
Mè rang
Muối

Cách làm:

1: Khoai mì gọt vỏ, rửa sạch, chẻ đôi và lấy sợi gân của khoai mì đi, sau đó ngâm nước khoảng 3 tiếng, vớt ra để ráo.

2: Dùng bàn mài để mài cho nhuyễn, sau đó vắt cho khô nước, để riêng. Phần nước khoai mì vắt ra thì để yên cho lắng xuống, đổ phần nước trong đi, lấy phần tinh bột còn lại cho vào cùng với xác khoai mì đã vắt.

3: Cho nước sôi vào dừa nạo, vắt lấy nước cốt.

4: Cho nước cốt dừa, đường và 1 muỗng nhỏ muối vào chung với xác khoai mì. Trộn đều hỗn hợp lên, chú ý là hỗn hợp chỉ sền sệt chứ không quá lỏng, sau đó chia ra làm 2 – 3 phần tuỳ ý thích và tuỳ bạn có bao nhiêu màu, bạn có thể sử dụng màu lá dứa, lá cẩm… Cho màu vào trong hỗn hợp và trộn đều.

5: Lấy khuôn hay đĩa trẹt, thoa một ít dầu ăn lên khuôn hay đĩa, sau đó cho hỗn hợp lên trên, chú ý là phải ấn cho dẹp xuống, mỗi cái bánh dày khoảng 0,5 cm.

6: Đem bánh đi hấp cách thuỷ, thỉnh thoảng mở nắp nồi hấp để nước không bị đọng lại trên nắp rồi rớt xuống bánh sẽ làm bánh nhão không ngon. Bánh hấp chín thì lấy ra để nguội.

7: Cùi dừa cũng được bào nhuyễn, để riêng.

8: Bánh nguội thì cắt sợi hay cắt hình ô vuông tuỳ theo sở thích của bạn. Trộn với cùi dừa bào nhuyễn.

Khi ăn thì cho ít muối mè lên trên. Sẽ rất tuyệt nếu có bạn bè hay gia đình cùng thưởng thức.

3. Bánh con Đuông

Nguyên liệu:

150gr bột bắp
150gr bột mỳ tinh
1 muỗng canh bột gạo
150-170gr đường ( tuỳ khẩu vị)
200ml nước cốt dừa (nên chọn dừa ngon và vắt nước cốt cho kẹo, vì nước cốt dừa quyết định độ thơm ngon của bánh)
1 muỗng cà phê bột nở
1 muỗng canh sữa bột nguyên kem( có thể dùng bột cô gái Hà lan)
1 ống vani

Cách làm:

1: Cho nước cốt dừa + đường+ 1 chút muối bắt lên bếp lửa to khoảng 2 phút. Không để hỗn hợp sôi, chỉ hơi ấm thôi và tắt bếp khuấy đều cho tan đường. Sau cùng cho vani vào.

2: Cho các loại bột vào âu trộn đều tạo 1 khoảng trống ở giữa từ từ cho hỗn hợp vừa làm xong vào. Cho từng chút vừa cho vừa nhào tránh bột bị vón cục.

3: Bột nhồi xong sẽ hơi nhão nhưng không sao. Bọc màng thực phẩm lại ủ qua đêm (mình làm lúc 8h tối để tới sáng khoảng 8-9h mình mới tạo hình bánh).

4: Ủ xong tạo hình bánh, chỉ nên nặn bánh nhỏ thôi và chừa khoảng cách giữa các cục bột vì bột sẽ nở ra trong qua trình nướng.

5: Nướng bánh ở nhiệt độ 160 độ khoảng 23 phút tuỳ lò. Bánh nướng xong để nguội cho vào lọ kín để 2-3 ngày sau ăn sẽ ngon hơn nhiều.

4. Bánh bò hấp

Nguyên liệu:

– 300g bột gạo khô
– 60g bột năng
– 200g đường cát trắng
– 200ml cơm rượu còn lẫn nguyên cái
– 150ml nước dừa tươi hay nước lọc
– 200ml nước cốt dừa
– Nửa thìa nhỏ muối
– Màu thực phẩm hoặc nước cốt lá nếp (lá dứa) để tạo màu xanh.

Cách làm:

1: Cơm rượu đổ ra bát, dùng thìa tán nhuyễn phần cái, đong lấy 200ml còn lẫn cả cái đã tán nhuyễn.

2: Trộn lẫn bột năng, bột gạo, muối, hỗn hợp nước cơm rượu vào âu sạch, dùng muôi trộn đều, đổ từ từ nước dừa tươi hay nước lọc vào âu bột. Dùng màng thực phẩm bọc kín ủ khoảng 12-14 tiếng.

3: Hôm sau bạn để ý phía bên trên bề mặt hỗn hợp bột sẽ có sủi tăm là đạt yêu cầu.

4: Hòa đường cát trắng với 200ml nước cốt dừa, đặt nồi lên bếp, đun sôi nhẹ để đường tan, để nguội, đổ vào âu bột ở bước 3.

Tiếp tục dùng màng thực phẩm bọc kín, ủ tiếp khoảng 3-4 tiếng đến khi bột sủi tăm lại.

5: Bột sau khi ủ đủ, bạn có thể chia làm hai âu, một âu bạn pha vào một ít phẩm màu hay nước cốt lá nếp để tạo mùi thơm.

6: Đun xửng nước sôi, xếp bát nhỏ hay khuôn vào nồi, xửng nước sôi nóng già thì dùng cọ phết một ít dầu ăn ở bát nhỏ để chống chín.

7: Dùng muôi múc vào bát nhỏ hỗn hợp bột ở bước 5, bạn chỉ cho vào hơn 1/2 bát vì bánh sẽ tiếp tục nở.
hướng dẫn cách làm bánh bò hấp nướng nam bộ 7

8: Tiếp tục đậy kín nắp nồi, hấp lửa lớn từ 7-10 phút tùy theo bánh bé hay lớn, bạn có thể thử bằng cách dùng tăm xiên qua bánh, nếu ở thân que còn dính bột là bánh chưa chín, bánh chín thì phần que tăm sẽ khô ráo.

9: Hấp cho hết phần bột, bánh chín bạn lấy ra rắc một ít vừng (tùy ý thích).

5. Bánh bò nhân dừa

Nguyên liệu:

– 300 gam bột năng
– 50 gam bột gạo
– 300 nước cốt dừa
– 5 gam bột nở
– 4-5 quả trứng gà
– 100 gam dừa nạo
– 1 bát nhỏ nước lá dứa
– Đường, muối, dầu ăn/bơ

Cách làm:

1: Lấy 1 âu to, cho nước cốt dừa + nước lá dứa + đường khuấy đều.

2: Trứng gà đập ra tô, đánh tan rồi cho trứng gà vào hỗn hợp nước cốt dừa lá dứa đánh đều lại một lần nữa.

3: Dừa nạo nhỏ. Bắc chảo nhỏ lên bếp và xào qua dừa nạo với 1 chút đường để tạo vị thơm ngọt. Sau khi dừa nạo đã ngấm đường, trút ra đĩa.

4: Cho bột gạo, bột năng, bột nở ra tô, thêm 1/ 4 thìa cà phê muối và trộn đều, sau đó rây lại hỗn hợp bột này cho mịn. Tiếp đến bạn cho hỗn hợp bột vào hỗn hợp trứng nước cốt dừa lá dứa đã làm trước đó khuấy đều và rây lại lần nữa.

5: Rửa sạch các bát nhỏ hoặc khuôn đựng bánh, lau khô, phết 1 lớp bơ hoặc dầu ăn mỏng vào khuôn, làm nóng rồi cho hỗn hợp bột vào, cho khuôn bánh vào ngăn giữa của lò nướng 45-50 phút là bánh chín. Nếu không có lò nướng, bạn có thể đổ hỗn hợp này vào nồi cơm điện đã phết bơ hoặc dầu ăn, nấu như bình thường.

6: Muốn biết bánh chín hay chưa, bạn hãy dùng cây tăm xiên qua bánh, nếu rút tăm ra thấy tăm khô ráo là bánh chín.

7: Mỗi một lượt bánh bò dừa nướng chúng ta sẽ cần 2 lớp bánh, bánh chín bạn xắt bánh miếng vừa ăn và kẹp giữa là nhân dừa. Nếu không thích nhân dừa kẹp giữa bánh, bạn có thể trộn dừa nạo với hỗn hợp trên rồi cho vào khuôn nướng chín cũng được.

6. Bánh bò nướng

Nguyên liệu:

– 280g bột năng

– 30g bột gạo

– 220ml nước cốt dừa

– 50ml nước lá dứa

– 5g bột nở

– 1/4 muỗng cà phê muối

– 150g đường

– 1 gói vani

– 7 cái trứng gà

Cách làm:

1: Trước tiên, để làm được bánh bò bạn nhớ chuẩn bị đầy đủ khuôn trước nhé, sau đó bạn dùng một lớp dầu mỏng quét lên rồi mới lấy khuôn đặt vào lò nướng ở nhiệt độ 175 độ C.

2: Tiếp theo bạn lấy nước cốt dừa rồi cho đường vào trộn đều lên, bắt lên nấu sôi cho đến khi thấy đường ta hết thì bạn tắt bếp.

3: Sau khi nước cốt dừa chế biến xong, bạn để nguội rồi lấy nước lá dứa cho tiếp vào khuấy lên cho thật đều.

4: Bây giờ các bạn lấy bột gạo, bột năng, bột nở, vani đã chuẩn bị sẵn trộn chung lại với nhau, rồi bạn rây ra cho thật mịn.

5: Bạn lấy trứng cho ra một cái bát, đánh lên thật đều và thật nhẹ tay rồi bạn cho thêm nước cốt dừa vào khuấy lên cho đều. Sau đó, bạn lấy bột đã rây cho vào từ từ rồi trộn nhẹ chung với trứng.

6: Cuối cùng các bạn đổ bột vào khuôn đã chuẩn bị sẵn, và cho nướng trong thời gian từ 40 – 50 phút là bánh chín.

7. Bánh đúc lá dứa

Nguyên liệu:

– Bột gạo: 200g

– Bột năng: 200g

– Lá dứa: 1 bó

– Màu xanh: 1 ống

– Dầu ăn: 2 thìa

– Đường thẻ: 250g

– Nước lạnh: 1 bát

– Nước cốt dừa: ½ bát

– Muối: ¼ thìa cà phê

– Mè trắng: 50g

Cách làm:

1: Lá dứa xay nhuyễn cùng với 500ml nước, lọc lấy nước cốt.

2: Pha 100g bột năng, 100g bột gạo, nước lá thơm và chút màu xanh, khuấy đều với dầu ăn.

3: Hòa tan đường, nước, bột năng, nấu sôi cho hơi sệt.

4: Đun hai loại bột cho đặc lại, nhắc xuống, cho vào khuôn tròn, một lớp xanh, một lớp trắng, hấp chín.

5: Khi ăn chan nước đường và nước cốt dừa, rắc mè rang vàng lên trên.

8. Bánh Tart dừa

Nguyên liệu:

– 100 gr bột mì
– 15 gr đường cát
– 20 gr bơ mềm ở nhiệt độ phòng
– 1 quả trứng gà
– 20 ml sữa tươi
– 1 thìa cafe muối
– 100 gr dừa rám nạo (dừa hơi già)
– 75 gr đường cát
– 50 ml nước
– 3 thìa cà phê bột nếp
– 50 ml vani
– Khuôn làm bánh tart cỡ nhỏ

Cách làm:

1: Làm nhân bánh

– Hòa tan đường trong nước.

– Cho hỗn hợp nước đường lên bếp đun đến khi thấy nước đường sánh thì bạn cho dừa nạo vào xào cùng đường.

– Dừa xào chín sẽ cạn hết nước, trong, dẻo và dính thì cho bột nếp và vani vào dừa, trộn đều tay rồi tắt bếp.
bánh tart dừa

2: Làm vỏ bánh

– Trộn đều bột mì, muối, đường, bơ chảy, sữa tươi.

– Tách trứng gà để riêng lòng đỏ và lòng trắng. Giữ lại 1/2 số lòng đỏ để quét lên mặt bánh, số trứng còn lại bạn trút vào hỗn hợp bột vừa trộn.

– Cho bột vào tô, dùng khăn ẩm hay màng ngăn thực phẩm bọc lại, ủ bột trong tủ lạnh 30 phút.
bánh tart dừa

3: Làm bánh tart dừa

– Cán vỏ bột bánh mỏng ra với độ dày khoảng 4 mm. Ép bột vào khuôn tart, dàn bột đều khuôn.

– Cho phần nhân dừa lên vỏ bánh.

– Tiếp tục cán mỏng thêm1 miếng bột nữa, sau đó cắt miếng bột thành nhiều sợi nhỏ.

– Bắt chéo từng sợi bột lên mặt bánh thành hình caro.

– Quét lòng đỏ trứng lên từng sợi bột trên mặt bánh để bánh khi nướng xong có mày vàng hấp dẫn.

4: Nướng bánh

– Làm nóng lò ở nhiệt độ 180 độ C, bạn cho bánh tart dừa vào lò nướng khoảng 12-15 để bánh chín vàng đều các mặt là được.

Giờ thì chỉ cần đợi bánh nguội là bạn có thể thưởng thức những chiếc bánh tart dừa thơm ngậy rồi.

9. Bánh phục linh

Nguyên liệu:

– 200 gram bột năng. Lấy riêng ít bột năng dùng để láng khuôn
– 200 gram dừa nạo hoặc nước cốt dừa đóng lon.
– 50 gram đường trắng.
– 10 cọng lá dứa.
– Khuôn làm bánh phục linh.
– Màu thực phẩm (lọai màu nước hay dùng để pha trộn làm kem, bánh kem các loại).
– Ray kim loại.

Cách làm:

1: Rửa sạch khuôn, để khô ráo. Chuẩn bị khay mâm rộng, xoa lên mặt khay và rắc vào khuôn ít bột năng khô đã để riêng rồi thổi sạch cho khuôn không bị dính.

2: Lá dứa rửa sạch, để ráo, cắt khúc ngắn chừng 3 – 4 phân, cho vào chảo với bột năng, nhỏ lửa, dùng muỗng đũa gỗ hay kim loại đảo đều tay liên tục cho đến khi bột dậy mùi thơm, lấy thử một khúc lá dứa, bóp thấy khô giòn là bột chín.

Đổ bột ra, để nguội bớt, rây lược bỏ xác lá dứa. Lưu ý khi rang bột canh lửa cho kỹ, đừng để lửa cao quá bột sẽ bị vàng.

Có thể thay lá dứa, hoa lài… bằng hương liệu các loại hoa tuỳ thích, với 200 gram bột chỉ cần cho vào 2 -3 giọt hương liệu.

Khi rang và thử bột chín tới bằng cách lấy một chút, để nguội, đặt vào lưỡi sẽ thấy bột tan nhanh, không trở dẽo như bột sống.

3: Cho khoảng nửa lít nước ấm vào dừa nạo, nhồi vắt lấy nước, lược lại qua rây cho sạch vụn xác dừa. Dùng khoảng 100cc. nước cốt dừa + 50 gram đường nấu nhỏ lửa cho tan, để nguội.

Tùy ý thay bằng nước cốt dừa đóng lon với số lượng tương đương hoặc chỉ dùng nước lạnh nấu với đường phèn. Phân lượng này vừa đủ cho 200 gram bột, nhưng còn tuỳ chất lượng bột đang có, nên nấu dư thêm ra để gia giảm.

4: Cho bột ra khay, châm từ từ nước cốt dừa vào từng ít một, nhồi đều tay cho bột ướt đều nhưng vẫn ở dạng bột rời chứ không kết thành khối dẻo mịn, thử bột bằng cách cho vào giữa lòng bàn tay một nhúm nhỏ, nắm chặt lại, mở tay ra thấy bột nén kết dính chắc lại nhưng chạm nhẹ bột lại bể ra là được.

Chia bột ra làm ba bốn phần, một phần để màu trắng tự nhiên của bột, các phần khác tuỳ ý nhỏ vào vài giọt màu nhồi trộn lại cho đều.

Nếu nhồi nhiều nước cho bột dẻo thì vẫn in bánh được nhưng bánh sẽ thành dạng dẻo ướt chứ không khô mịn. Bột nhồi đạt yêu cầu là khi bánh in ra chắc đẹp, để qua vài giờ là khô ráo, khi ăn có thể bẻ thành miếng nhỏ, cho vào miệng, miếng bánh sẽ tan ra dễ dàng.

5: In bánh: Để ngửa khuôn, nhận bột vào những lỗ khuôn cho chắc tay, dùng dao gọt phần bột dư trên mặt lỗ khuôn cho bằng phẳng, úp khuôn xuống mặt khay, gõ nhẹ cho bánh rời ra khỏi lổ khuôn.

6: Bánh làm xong để qua 2 -3 giờ cho ráo bánh rồi mới cho vào hủ, hộp… đậy kín.

7: Bánh phục linh làm với nước cốt dừa chỉ có thể để qua vài ba ngày. Nếu làm thuần túy bằng nước đường ngọt đậm bánh có thể để lâu hơn.

10. Bánh da lợn

Nguyên liệu:

Phần màu xanh:

Bột năng: 200gr
Bột gạo: 50gr
Nước cốt dừa: 300ml
Nước lọc: 100ml
Nước lá dứa và rau chùm ngót: 100ml
Đường: 300gr
Muối ăn: 1/4 muỗng cà phê

Phần màu vàng:

Đậu xanh cà còn vỏ: 200gr
Bột năng: 100gr
Bột gạo: 25gr
Nước cốt dừa: 200ml
Nước lọc: 100ml
Dường: 200gr
Muối ăn: 1/4 muỗng cà phê

Cách làm:

1: Làm phần bột màu xanh

– Đường và nước lọc đun cho tan hết phần đường, để nguội.

– Cho tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị vào 1 cái thau lớn, khuấy đều cho đến khi bột tan hết, lọc qua rây để bột được mịn.

2: Làm phần bột màu vàng

– Đậu xanh ngâm với nước ấm qua đêm, sau đó đãi sạch vỏ.

– Đường và nước lọc, đun cho tan hết đường.

– Cho tất cả các nguyên liệu để làm bột vàng vào trộn chung, sau đó cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Sau đó lọc qua rây để có phần bột mịn.

3: Đồ bánh

– Dùng 1 cái xửng hấp cách thủy, tùy sở thích bạn có thể chọn khuôn nhỏ hay lớn. Tuy nhiên trước khi đổ bột vào bạn nên hấp khuôn khoảng 5 phút cho khuôn nóng đều.

– Cho phần bột màu xanh vào, chú ý là nên đổ lớp mỏng thôi.

– Hấp khoảng 5-7 phút thì mở nắp nồi và đổ lớp bột màu vàng vào, đậy nắp lại và hấp 5 phút.

– Cứ như thế đỗ hết phần bột đã chuẩn bị.

– Bánh chín, lấy ra và để bánh thật nguội mới lấy bánh ra khỏi khuôn.

– Cắt theo miếng vừa ăn.

11. Bánh kẹp

Nguyên liệu:

300g đường nhuyễn

300g bột gạo 2 trứng gà

2 muỗng súp sữa đặc

1 ống va ni

1 trái dừa khô

Khuôn đổ bánh

Cách làm:

1: Sơ chế

– Dừa khô nạo lấy 2 chén nước cốt

– Cho 1 chén nước cốt dừa cùng với bột gạo vào âu nhồi thật kĩ

– Cho trứng gà vào âu khác rồi từ từ cho đường vào đánh nổi bông

– Trút bột đã nhồi vào âu hột gà dùng tay bóp cho đều

– Cho nước cốt dừa còn lại vào âu và quậy cho thật tan để được hỗn hợp bột sệt

2: Chế biến

– Dùng cọ thoa dầu lên khuôn nướng bánh

– Rắc 1 lớp bột mỏng chống dính

– Dùng muỗng múc bột tráng đều bột lên khuôn Cho lên bếp nướng cho tới khi bánh vàng dều

– Dùng đũa cuộn bánh lại theo ý muốn và lấy bánh khỏi khuôn

– Cứ tuần tự như vậy cho đến khi hết bột

3: Thưởng thức

Lấy bánh xếp ra dĩa mời mọi người thưởng thức hay lấy bánh cho kem ký vào mời mọi người thưởng thức.

12. Bánh vòng

Nguyên liệu:

Bột nếp: 300gr
Bột gạo: 100gr
Đường vàng: 200gr
Dầu ăn
Mè rang.

Cách làm:

1: Bột nếp, bột gạo trộn chung, cho nước ấm vào và nhồi kỹ đến khi nào bột thành một khối bột mịn là được. Sau đó để yên cho bột nghỉ khoảng 30 phút.

2: Sau khi để bột nghỉ, bạn lấy ra và nhồi lại lần nữa, nếu thấy bột khô thì có thể cho thêm ít nước nhưng theo kinh nghiệm mình thấy không nên cho thêm nước trừ khi bột quá khô, vì như thế dễ làm bột bị nhão, mà bột nhão chữa khó lắm.

3: Sau khi bột đã thành một khối thật mịn, bạn lấy ít bột se dài rồi nắm hai đầu dán vào nhau tạo thành một vòng tròn. Cứ như thế làm cho đến hết phần bột.

4: Cho chảo lên bếp, chảo nóng già thì cho dầu ăn vào, bạn cho dầu nhiều nhiều để chiên bánh được ngon hơn. Thả từng cái bánh vào chiên vàng.

5: Đường vàng pha thêm 3 muỗng canh nước và bắt lên bếp nấu cho đường tan hết, bật nhỏ lửa để liu riu cho đến khi đường keo quánh lại là được, tắt bếp và cho vài giọt nước cốt chanh vào để không bị lại đường.

6: Bánh chiên xong bạn nhúng bánh qua đường, lấy ít mè rang rắc lên mặt, vậy là coi như xong rồi đấy nhé.

13. Bánh chuối hấp

Nguyên liệu:

1 nải chuối: 10 đến 15 trái
200gr: bột năng
Đường
300gr: dừa nạo
Muối
1 ống vani
Mè rang hoặc đậu phộng rang
Dầu ăn.

Cách làm:

1: Đầu tiên bạn lấy dừa nạo cho vào một cái thau, rồi lấy 1 chén nước ấm cho vào dừa nạo đã chuẩn bị sẵn rồi bạn bóp và vắt lấy nước cốt, sau đó bạn lấy thêm 400ml nước tiếp tục cho vào thau dừa vắt lấy phần nước dão còn lại.

2: Chuối mua về, bạn lột sạch vỏ rồi bạn bóp nát chuối ra (nhớ đừng quá nát vì như vậy khi chính chuối sẽ không được ngon đâu), Lấy 2 trái chuối cắt thành khoanh mỏng và để riêng ra.

3: Lấy bột năng chuẩn bị sẵn, cho vào một cái tô lớn hoặc cái thau, sau đó đổ nước cốt dừa đảo vào trộn đều lên cho hòa tan tất cả lại với nhau, khi đã hòa tan rồi bạn lấy 1 ống vani, 1 muỗng cafe muối, chuối đã bóp nát cho vào hết sau đó trộn đều tất cả thành phần lại với nhau rồi để cho bột nghỉ trong thời gian khoảng 10 phút là được.

4: Lấy một cái nồi, bạn cho nước vào và bắc lên bếp nấu sôi. Mách bạn một điều nhỏ là hãy cho vào nồi nước 1/2 trái chanh để nồi nước của bạn không đen sau khi hấp bánh nhé.

5: Tiếp theo bạn lấy dầu ăn thoa đều lên phần đáy và thành khuôn bánh (hãy lựa chọn khuôn đấy bằng nha), lấy hỗn hợp bột và chuối cho vào rồi bạn lấy chuối cắt khoanh lúc trước chuẩn bị để riêng xếp lên trên phần mặt cho đẹp.

6: Xong bạn cho khuôn bánh vào hấp cách thủy trong khoảng thời gian 30 -50 phút (linh động tùy theo độ dày của miếng bánh mà bạn hấp), để biết bánh đã chín chưa, bạn chỉ cần dùng một que tăm tre ghim xuống bánh, nếu khi rút que tăm ra bạn không thấy bị dính bột tức là lúc này bánh đã chín.

7: Bây giờ thì bạn lấy khuôn bánh ra và để nguội, sau đó bạn lấy bánh ra và cắt thành từng miếng bánh sao cho vừa ăn.
Tiếp theo Làm nước cốt dừa: bạn lấy nước cốt dừa vắt ban đầu cho vào một cái nồi nhỏ rồi nấu trên lửa vừa, cho thêm vào nồi một ít muối và đường. Nước cốt dừa được nấu sôi lên thì bạn cho vào một ít bột năng sau đó khuấy đều vào với nước tạo độ sánh cho nước cốt.

8: Hoàn thành xong tất cả bạn có thể cho bánh ra một cái đĩa rưới nước cốt dừa lên trên và trang trí lên trên bề mặt mè rang hay đậu phộng cho ngon và đẹp.

14. Bánh men

Nguyên liệu:

Bột năng: 300gr
Bột gạo: 200gr
Dừa nạo: 300gr
Đường: 100gr
Vani: 1 ống
Dầu ăn.

Cách làm:

1: Cho 200ml nước ấm vào dừa vắt lấy nước cốt.

2: Đổ hai loại bột vào tô lớn, cho nước cốt dừa và đường vào nhào mịn, dẻo sau đó ủ khoảng 2 – 3 giờ.

3: Lấy bột ra nhào thêm một lần nữa, lần này cho bột vani vào nhào chung. Nhào bột càng mạnh tay, bột càng mịn thì bánh càng xốp và ngon hơn. Sau đó cho bột nghỉ thêm 30 phút nữa.

4: Lấy bột ra lại nhồi thêm lần nữa, nếu nhồi mà thấy bột hơi khô thì vẩy thêm tí nước, còn nếu bột vẫn dẻo mịn thì thôi. Sau đó vo viên tròn hay dài hay bất cứ hình dạng gì bạn thích. Xếp vào khuôn, nhớ thoa ít dầu ăn ở đáy khuôn.

5: Sau đó cho vào lò nướng với nhiệt độ là 250 độ C, khoảng 5 – 10 phút, bánh không cần vàng, chỉ cần bánh nở xốp lên là được, nếu bạn để lâu quá bánh sẽ bị khô mặt hay nứt ra nhìn không ngon nữa.

6: Lấy bánh ra, để nguội và cho vào hủ đậy kín miệng ăn dần cũng rất ngon.

Bạn có thể làm nhiều màu sắc khác ví dụ như lá dứa hay lá cẩm, bạn chỉ cần cho màu vào bột.

15. Bánh khọt

Nguyên liệu:

1 ký bột bánh xèo, pha thêm tí nghệ cho nó vàng lên. Không có bột bánh xèo thì mua 1kg bột gạo rồi pha thêm bột nghệ.
4 lạng thịt băm (lựa nạc dăm)
3 lạng tôm tươi
3 hột vịt
100ml nước cốt dừa để cho vào nhân, và 400ml nước cốt dừa để cho vào bánh
3 lạng đậu xanh hột
1 củ cà rốt
1 củ cải nhỏ
Hành tây, hành củ, hành lá, chanh, ớt
Các loại gia vị thông thường
Rau sống bao gồm: rau xà lách (rau diếp), cải xanh, rau thơm rau sống các loại)
Khuôn đổ bánh khọt (mua ngoài chợ)

Cách làm:

1: Sơ chế

– Nếu dùng khuôn bánh mới, ta đem khuôn để lên bếp nóng, dùng đũa bọc giẻ nhúng dầu ăn quét lên mặt khuôn liên tục chừng 5 – 10 phút. Trong khi đổ bánh cũng nhớ quét để cho khuôn không dính với bánh.

– Thoa dầu ăn lên từng lỗ khuôn.

– Tôm tươi rút chỉ bỏ vỏ, cắt thành từng miếng nhỏ.

– Cà rốt và củ cải thái sợi nhỏ, bóp với tí muối, rửa sạch, vắt ráo để làm đồ chua.

– Hành tây thái hột lựu. Hành lá thái nhỏ. Hành tím xắt lát mỏng

– Đậu xanh cho vào nồi luộc vừa chín.

2: Chế biến

– Cho bột vô thau, đập hết hột vịt vô, rồi tới hành lá, 400ml nước cốt dừa, cho thêm chút nước ấm rồi trộn lên. Cho thêm chút muối. Khuấy cho đều tay kẻo bị vón cục. Sau đó để bột nghỉ chừng 20-30 phút.

– Nếu pha bột bánh xèo theo công thức trên bao bì, thì bạn nhớ giảm chút nước vì sau đó còn cho thêm nước cốt dừa.

– Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào rồi phi thơm hành củ, cho thịt băm, tôm, đậu xanh đã luộc, hành tây vô xào chung, nêm nếm vừa miệng, sau đó trút hết ra tô, cho phần 100ml nước cốt dừa vô trộn lên đều là thành phần nhân bánh khọt.

– Xào nhân bánh.

3: Đồ bánh

Bỏ khuôn lên bếp, thoa dầu lên lỗ tráng rồi múc bột đổ vào từng lỗ trên khuôn. Nhớ đổ ít thôi vì bánh sẽ nở lên. Tiếp theo ta cho thêm nhân vô giữa, đậy nắp lại chờ cho bánh nở chín vàng.

Bánh khọt ăn với nước mắm, rau sống.

16. Chè bánh lọt đậu xanh

Nguyên liệu:

-Bột gạo: 300gr
-Bột năng: 70gr
-Đậu xanh cà vỏ: 100gr
-Lá dứa (bạn có thể dùng màu thực phẩm hay lá dứa tươi đều được, với lá dứa tươi bạn rửa sạch cắt khúc và cho vào máy xay để xay nhuyễn sau đó lọc lấy nước).
-Dừa nạo: 300gr
-Đường cát: 300gr
-Muối.

Cách làm:

– Với lượng bột trên bạn cho 3 chén nước vào (nếu bạn sử dụng lá dứa tươi thì tính luôn lượng nước lá dứa cũng là 3 chén nhé), khuấy đều cho bột tan hết, sau đó lọc qua rây để loại bỏ những phần lợn cợn. Cho bột vào nồi và bắt lên bếp, cho lửa riu riu, khuấy đều tay để bột chín, khi bột đã chín thì tắt lửa, để cho nguội bớt.

– Bạn chuẩn bị thau lớn và cho vào đó it nước đá, một cái rổ có lổ bằng cây đũa hay khuông bánh lọt đều được, để lên trên thau. Sau đó cho bột vào, dùng muỗng ép bánh xuống thau nước đá. Dừa nạo vắt lấy 1 chén nước cốt và 1 chén nước dão.

– Đậu xanh cà vỏ ngâm với nước ấm khoảng 2 tiếng, cho đậu xanh vào nồi, cho nước dão vào chung sao cho xâm xấp với đậu là được, cho vào đó ít muối để đậu ngon hơn, bắt lên bếp nấu với lửa nhỏ, nước trong nồi cạn xuống cũng là lúc đậu xanh chín mềm, tắt lửa mở nắp cho đậu xanh nguội. Khi đậu xanh nguội, dùng muỗng hay đũa đánh đậu xanh lên cho nhừ. Để riêng. Cho 300gr đường với 30ml nước lọc, đun cho đường tan hết, để nguội.

-Khi ăn bạn cho ít bánh lọt vào ly, kế đến cho đậu xanh, cho nước đường và nước cốt dừa lên trên. Bạn cũng có thể sử dụng ít đá bào nếu thích.

Coupon

 

Hướng dẫn làm Number Cake bất bại: Cho 4 mùa yêu thương

  • Nắm vững công thức của 2 loại cốt bánh siêu ngon có thể làm hài lòng bất cứ miệng ăn khó tính nào là bánh Mudcake và Chiffon cam
  • Bạn sẽ sở hữu hai công thức kem ngon bất bại có thể dùng cho mọi loại bánh là Cheese Frosting và Custar Whipping
  • Nắm được cách làm Meringue Cookies – vừa là một loại topping màu sắc vô cùng đẹp khi decor bánh, vừa để các bé ăn bất cứ lúc nào
  • Bạn sẽ nắm được cách tạo hình bánh số và từ đó có thể tạo hình bánh chữ, bánh thú hay bất cứ hình gì bạn thích.
  • Cách xử lý hoa tươi khi cần trang trí lên bánh
  • Và cuối cùng là decor 12 mẫu bánh tượng trưng cho 12 tháng trong năm theo chủ đề 4 mùa. Bạn cũng hoàn toàn có thể biến tấu chủ đề và trang trí theo cách riêng của bạn
  • Bạn có thể khởi nghiệp bằng cách mở một tiệm bánh nhỏ sau khóa học này

 

Nhiều hơn
Ít hơn

Không có hạn sử dụng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *